Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Kêu gọi bầu chọn Vịnh Hạ Long qua tin nhắn 147

Đảo Ti Tốp nằm trong di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Nguyễn Đán/TTXVN)Bằng tin nhắn điện thoại di động với cú pháp Halong và gửi tới 147, với giá cước chỉ 630 đồng, mọi người dân Việt Nam có thể dễ dàng góp một lá phiếu bình chọn cho Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên.
Ngày 30/9, Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành Quyết định về việc sử dụng số dịch vụ nhắn tin 147 để phục vụ vận động bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Ngay sau khi có quyết định trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ra lời kêu gọi mọi người dân, nhất là cán bộ, công nhân viên các ban ngành của tỉnh và thế hệ trẻ hãy tích cực bầu chọn cho Vịnh Hạ Long qua tin nhắn điện thoại di động.

Số dịch vụ nhắn tin 147 sẽ nhận tin nhắn bầu chọn cho Vịnh Hạ Long từ các thuê bao mạng viễn thông di động.

Cuộc bầu chọn đang trong giai đoạn nước rút nên việc có thêm hình thức bầu chọn qua tin nhắn điện thoại sẽ góp phần tăng cường số phiếu bầu cho Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Trước đó, ngày 27/9 Chủ tịch tổ chức NewOpenWorld đã trao giấy chứng nhận Vịnh Hạ Long lọt vào vòng chung kết cuộc bình chọn 7 kỳ quan thế giới mới. Ngày 11/11 tới, NewOpenWorld sẽ tổ chức lễ công bố kết quả cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới./.
Nguồn tin: mangdulich.com

Hồ Lắk

 
Hồ LắkVị trí: Hồ Lắk nằm trên tuyến đường giao thông giữa thành phố Buôn Ma Thuột và Ðà Lạt, thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56km về phía nam theo quốc lộ 27. Đặc điểm: Hồ Lắk là một thắng cảnh đẹp của vùng Tây Nguyên. Hồ vừa là nơi cung cấp nhiều cá, vừa là hồ chứa nước ngọt khổng lồ cung cấp nước cho hàng trăm héc ta ruộng nương, đồng thời còn làm cho khí hậu ở đây thêm phần mát hơn.


Qua đèo Lạc Thiện khoảng 10km, đến thị trấn Liên Sơn, rẽ tay phải vài trăm mét đã thấy ngôi nghà nghỉ mát của cựu hoàng đế Bảo Ðại ngày xưa. Ðây là nơi ông thường đến ngắm cảnh, săn bắn, nghỉ ngơi mỗi khi có dịp lên thành phố Buôn Ma Thuột. Ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi cao nhìn ra mặt nước của hồ Lắk.

Hồ rộng trên 500ha, được thông với con sông Krông A Na. Mặt hồ Lắk luôn xanh thắm, in bóng rừng thông trên các ngọn đồi ven hồ. Xung quanh hồ là các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động thực vật phong phú.

Về mùa mưa, hàng trăm con suối, ngọn thác đổ nước về làm cho mặt hồ rộng thêm, sóng cồn lên như biển và dâng ngập hết cả các cánh đồng cỏ xung quanh. Ra xa, nước sâu hơn là nơi ngự trị của các loài sen, súng. Sen ở hồ Lắk rất đẹp, che kín một dải dài trên mặt nước làm cho cảnh hồ thêm thơ mộng.

Bên Hồ Lắk có buôn Jun, một buôn làng tiêu biểu của dân tộc M'Nông. Ðến đây du khách có dịp ngao du trên lưng voi để ngắm buôn làng, tham quan núi rừng Tây Nguyên. Nếu nghỉ qua đêm sẽ được thưởng thức văn nghệ cồng chiêng của người M'Nông
Nguồn tin: mangdulich.com

Hang tranh ở Tây Tạng

Năm 1986, Robert Hefner, chủ tịch của Quỹ Bradshaw (Mỹ) phát hiện ra một quần thể hang động đặc sắc trong thung lũng hồ Namtso trên cao nguyên Tây Tạng, với những bức vẽ màu sắc sống động trên các vách đá.
Hang tranh ở Tây Tạng
Hang tranh ở Tây Tạng

Hang động này nằm ở trong một khu vực vắng vẻ, chỉ có một vài người du mục hay những người chăn bò Tây Tạng đi ngang qua. Các bức tường nhẵn của động là đá vôi trắng có các vết khoáng chất màu xanh, có thể là quặng lam đồng. Các bức vẽ sử dụng màu đỏ nâu và màu vàng-nâu, với chiều cao khoảng từ 15 - 25cm.

Phần lớn mô tả hình người cưỡi ngựa. Các động vật phổ biến nhất trong nghệ thuật trên đá tại Thượng Tây Tạng đá là bò rừng hoặc trâu rừng hoang dã, một biểu tượng của bản sắc riêng biệt của Tây Tạng. Ngoài ra, các động vật móng guốc (linh dương, cừu núi, cừu và hươu) được vẽ, cũng như các động vật ăn thịt, chim, cá và các loài động vật khác. Động vật thường được vẽ riêng rẽ hoặc là con mồi đá của thợ săn, chúng còn là một phần của nghi lễ tín ngưỡng. 

Dưới đây là một số hình ảnh về hang động đặc sắc trong thung lũng hồ Namtso, Tây Tạng:


 

 
Nguồn tin: mangdulich.com

Ẩm Thực Bánh Bèo Kon Tum

Ẩm Thực Bánh Bèo Kon TumCũng là hạt gao, nhưng dân mỗi miền lại có một cách thưởng thức khác nhau.Ra Hà Nội 5 năm càng ngày mình càng nhớ quay nhớ quắt những món ăn được chế biến từ hạt gạo của Kontum. Nói kontum là vì niềm tự hào tỉnh nhà chứ thực ra sự phong phú trong món ăn chế biến từ gạo là từ miền trung bao gồm nhiều tỉnh, rồi theo dân di cư du nhập lên Tây Nguyên lên Kon Tum.Rồi từ đó, người đầu bếp Kontum trên căn bản công thức và cách thức của miền xuôi, cộng thêm nắng thêm gió và mưa của tây nguyên mà nấu ra nhưng món bánh mang thương hiệu Kontum.Món bánh bèo sẽ mở đầu một series nhiều episodes về món bánh.

Bánh bèo trên căn bản là từ hạt gao, đem ngâm, xay với nước và rồi cái thứ bôt nước ấy cho vào cái bát con,loại bát chuyên dung để ăn bánh bèo(xem ảnh), hấp lên thế là xong.Híc nhưng cái ngon của nó không nằm ở đấy mà nằm ở nhân bánh bèo và nước chấm.Nhân thì có dăm ba loại.

Ngày bé, khi xuất ăn sáng đâu chỉ 1000vnd,thì mình đã có ngay 3 chiếc bánh bèo nhân hẹ phi với dầuvà một bát nước chấm thật ngon..Dân bắc ít biết cây hẹ, nó y chang cây hành nhưng bé hơn, trong nam ăn nhiều và đặc trưng nhất là ăn với bánh hỏi (loại bánh này sẽ có một chuyên đề sau).Bây giờ tìm bánh bèo nhân hẹ ở Kontum cũng hiếm.Còn hai loại nhân phổ biến hơn là bánh bèo nhân tôm và bánh bèo nhân lạc.

Nói bánh bèo nhân lạc không thì không chính xác, phải là bánh bèo nhân lạc giã nát trộn với hẹ tươi phi dầu.Chà, ai cũng biết bột gạo hấp thì nó đơn sơ mộc mạc như thế nào nhưng mà khi ăn thứ bột gạo hấp ấy cùng với lạc và hẹ thì nó lại thành ra thứ quà vặt vô cùng hấp dẫn và không cuỡng lại được.Vị mềm mát của gạo,bùi dòn ngậy của lạc và hương thơm dịu của hẹ phi…thêm bát nước châm pha đúng cách ngon bá cháy.ĂN hoài mà không thấy chán.

Loại bánh bèo này có thể tìm thấy trên Đường Phan Chu Trinh của thị xã Kontum.

Tiếp đến là bánh bèo nhân tôm.

Mónnày dễ tưởng tượng hơn, ai vào Huế ăn bánh bèo Huế thì món bánh bèo nhân tôm ở Kontum cũng y chang.Ở HN cũng có thể kiếm bánh bèo nhân tôm ở quán Huế Ngự Bình trên đường Láng, chỉ có khác bánh bèo ở ngự bính be bé, xinh xinh,còn bánh bèo chuẩn ỏ Kontum thì to vừa bằng cái đáy bát ăn cơm.

Có thể dùng bát ăn cơm đề hấp bánh bèo nhưng nó khó chín thôi . Đặc biệt ở chỗ bánh bèo nhân tôm ở Kontum nó là bánh bèo nóng,vừa thổi vừa ăn.Hàng ăn có một nồi hấp ngay cạnh,khi có khách gọi thì mới lấy từ nồi hấp ra, cho nhân tôm vào và thực khách cứ như thế cầm luôn cái bát con chuyên dụng hấp bánh bèo cho nước mắm luôn vào cái bát ấy mà nhấm nháp từng miếng con con cho nóng sốt.

Thế là đã có 3 loại bánh bèo,nếu theo cách vi von mon ngô luộc, ngô chiên và ngô nướng của ông Vũ Bằng thì bánh bèo hẹ phi là cô thôn nữ mộc mạc nhưng và dề gần,bánh bèo lạc rang quyến rũ khác thường , còn món bánh bèo tôm nóng khi ăn vào như cảm giac như gặp được người tri âm.

Hàng bánh bèo tôm nóng có thể tìm thấy trên đuờng …đường gỉ nhỉ? Mà cũng đâu cần nhớ tên đường, chỉ cần bạn đặt chân đến Kontum rùi hỏi bất kì ai trong thị xã đường đến quán bánh bèo nóng thì bạn sẽ được toại nguyện. Theo trí nhớ của mình hàng bánh này đến bảng hiệu còn không có, tên Quán bánh bèo nóng là tên mà các thực khách hay đến đây đặt cho và hình như chủ quán cũng chẳng có ýđịnh mất công ngồi nghĩ ra một cái tên nữa cho quán của mình.

Nguồn tin: mangdulich.com

Bãi tắm Minh Châu - Hạ Long

Minh Châu là một bãi biển đẹp nổi tiếng cách bãi tắm Quan Lạn 15 km. Cát ở đây trắng muốt, đi không dính chân. Tại đây bạn có thể cắm trại ngủ qua đêm rất thú vị.

Du khách đến bãi tắm Minh Châu có thể đi từ Cẩm Phả qua phà Tài Xá (gần đền Cửa Ông) đến thị trấn Cái Rồng (khoảng 9 km). Tàu ở cảng Cái Rồng đón bạn đi thẳng ra đảo Quan Lạn nơi có bãi tắm Minh Châu (thời gian tàu chạy khoảng 3 giờ, có dừng tại một số đảo để du khách

Tại đây du khách có thể vừa tắm biển lại có thể thưởng thức những hương vị đặc sản của biển khơi trong chuyến đi thú vị của mình.
 

Bãi tắm Tuần Châu - Hạ Long

Khu du lịch đảo Tuần Châu mới được xây dựng, cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 8 km.

Khu du lịch đảo Tuần Châu có diện tích 220 ha, được kiến tạo bởi những ngọn đồi thoai thoải. Một con đường trải bê tông dài khoảng 2 km nối đảo với đất liền. Tại Tuần Châu có rất nhiều hạng mục công trình đã và đang được xây dựng. Từ ngoài cổng đi vào lần lượt du khách sẽ đi qua một khu đồi đang được khẩn trương san lấp để xây dựng khu biệt thự do khách hàng tự xây dựng, hạ tầng cơ sở đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đi tiếp vào trong, khu phố ẩm thực với năm nhà hàng và nhà tròn được thiết kế theo kiến trúc cung đình rất đẹp cùng một lúc có thể phục vụ trên 1.000 thực khách với những món ăn Âu, á và dân tộc do các đầu bếp nổi tiếng trong nước và ngoài nước thực hiện. Các tiếp viên nhà hàng đều mang trang phục truyền thống của Việt Nam. Vào khu trung tâm du khách sẽ choáng ngợp bởi câu lạc bộ biểu diễn cá heo, hải cẩu, sư tử biển được xây dựng rất hiện đại và độc đáo.
 
 
 


Bãi tắm Tuần Châu: với thảm cát trải dài 2 km sẽ làm cho du khách thoải mái vùng vẫy giữa làn sóng biển trong xanh. Sát bãi biển là khu biệt thự 50 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao mang đến cho du khách những phút giây thoải mái. ở đây còn có trên 300 phòng nghỉ khác đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tại đảo Tuần Châu du khách có thể tham dự các hoạt động thể thao dưới nước: mô tô trượt nước tốc độ cao; ca nô kéo dù, lướt ván; câu cá trên biển Hạ Long; chèo thuyền; khinh khí cầu tham quan vịnh Hạ Long hoặc leo núi, cắm trại…Các dịch vụ: biểu diễn cá heo, sư tử biển, hải cẩu, xiếc thú, võ thuật phục vụ khách liên tục 3 suất/ngày trong tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 2.
Hiện nay khu du lịch đảo Tuần Châu đang hoàn thiện. Rất nhiều dự án khác đang chờ các nhà đầu tư, biến đảo Tuần Châu thành đảo Ngọc Châu của Hạ Long, với ước mong được đón bạn đến với năm “Du lịch Hạ Long”.

Hang Luồn - Hạ Long

Vị trí: Nằm ở mỏm phía đông bắc đảo Bồ Hòn, cách hang Sửng Sốt khoảng hơn 1km, thuộc vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Đặc điểm: Hang Luồn nối biển với một hồ nước hình tròn khép kín bởi núi. Hang chỉ cao từ 2,5m đến 4m tùy theo con nước thủy triều. Muốn vào được bên trong phải dùng thuyền nhỏ.


Đây là một vòng cung núi hình tròn khép kín ở giữa là một hồ nước xanh ngắt phẳng lặng, thông với biển bằng một đường hầm tạo ra bởi một chiếc hang mà đáy bị ngập nước. Hang Luồn dài gần 60m, nóc hang chỉ cao từ  2,5m đến 4m tuỳ theo con nước thủy triều.

Vòm hang hình cánh cung với nhiều nhũ đá rủ xuống. Hồ nước bên trong trông như một sân vận động với các dãy khán đài vát lên cao vút, quây tròn xung quanh. Trên vách đá có nhiều dương xỉ, vạn tuế và phong lan. Các tàu du lịch không vào được trong hang mà chỉ neo đậu gần cửa. Du khách nào muốn vào thì phải xuống các thuyền nan nhỏ, mỗi chiếc chở được chừng 10 đến 15 người. Cả đi vào và đi ra mất chừng 20 phút. Nên mang theo phao cứu hộ. Đi thuyền vào trong hang du khách không phải trả tiền vì đã được tính trong tiền vé tham quan. Đang có dự án xây các nhà nổi cho du khách ở qua đêm tại đây.

Theo: vietnamtourism

Động Tam Cung

Vị trí: Động nằm ở trung tâm vịnh Hạ Long, cách động Sửng Sốt 5km về hướng đông bắc.

Đặc điểm: Động có 3 ngăn, luồn lách qua từng khe đá, nhiều nhũ đá có hình người, hoa và các con vật rất đẹp, sống động.


Động Tam Cung nằm trên đảo Mây Đèn - một hòn đảo nằm gần như tách biệt với các đảo khác. Hòn Mây Đèn vách đá dựng đứng chênh vênh, rừng cây xanh tốt.

Ở cả ba ngăn động, nhũ đá tạo ra những hình thù tự nhiên sống động như tiên ông với chòm râu bạc phơ, ba ông tam đa trầm mặc, nụ hoa quỳnh trắng muốt, rồi nào là hình sư tử, hải cẩu, tượng thuỷ thần...

Vào ngăn thứ nhất, bất chợt ta dừng bước lặng nghe đâu đó vang lại những âm thanh như tiếng đàn T’rưng hoặc đàn đá thánh thót. Chưa hết ngạc nhiên, du khách bỗng gặp một "ông tiên" đang chống gậy leo núi, chòm râu trắng phơ bay trong gió. Và đây nữa, ba "ông tam đa" đang đứng trầm mặc trên vách động nhìn cảnh trần xuôi ngược. Từ trần động một nhũ đá giống hệt nụ hoa quỳnh trắng muốt đang chúm chím nở giữa rừng hoa nhũ đá.

Từ ngăn thứ nhất đến ngăn thứ hai qua một khe cửa nhỏ, bước đi gập ghềnh, nơi đây như là một bảo tàng tự nhiên sống động, nào là sư tử đá, hải cẩu, tượng thuỷ thần... Và chính giữa ngăn thứ hai là một dòng suối tiên quanh năm nước ngọt tràn trề, hai bên vách động là những bức rèm đá buông rủ từ trần xuống thướt tha, tất cả dường như đang lay động.

Đến ngăn trong cùng du khách sẽ được xem một bức phù điêu hoành tráng trên đó chạm trổ những hình thù kỳ dị nhưng lại rất công phu, tầng tầng lớp lớp trong một chỉnh thể chung cân đối, hài hoà, những bông hoa, gậy trúc xinh xắn, những bức rèm đá tự nhiên, những chú voi hiền từ đang ngủ...

Theo: vietnamtourism

Hòn Ba Trái Đào

Vị trí: Nằm gần đảo Cát Bà, cách cảng tàu du lịch hơn 22km về phía nam theo đường chim bay.

Đặc điểm: Có ba hòn núi nhỏ, cao 23m trông như ba trái đào tiên bị hoá đá.


Đây là một vùng biển vắng vẻ hoang sơ vì thế các khách du lịch mạo hiểm đi bằng thuyền phao tự chèo gọi là thuyền kayak thường chèo thuyền len lỏi quanh đây.

Theo truyền thuyết thì ngày xưa có một nàng tiên xinh đẹp trên Thượng giới đã đem lòng thương yêu một chàng ngư phủ ngày ngày chài lưới trên vịnh Hạ Long. Muốn cho người yêu cũng được bất tử như mình, nàng tiên khờ dại đã lấy trộm ba trái đào tiên mang xuống hạ giới cho người yêu. Ngọc Hoàng biết chuyện đã hoá phép làm  ba trái đào tiên biến thành ba hòn đảo đá và từ đó đôi trai gái chẳng bao giờ có thể gặp nhau được nữa. Nhưng bây giờ các đôi tình nhân lại thích ra đây vì ở đó có các bãi tắm thiên nhiên tuyệt đẹp.

Từ cảng tàu du lịch, đi khoảng 10 giờ ca nô là tới bãi tắm Ba Trái Đào. Sở dĩ có tên Ba Trái Đào như vậy vì ở đây có ba bãi cát hình cánh cung quây quần ôm lấy chân đảo, hòn đảo ấy nhìn xa hệt như ba trái đào tiên. Thường bãi tắm này một ngày chỉ tắm được từ 2 - 3 giờ vì thời gian còn lại thuỷ triều nhấn chìm bãi cát, nhưng không vì thế mà du khách không đến nơi đây, ngược lại, hàng năm có hàng ngàn du khách tới đây tắm biển và chiêm ngưỡng vẻ đẹp thần kỳ của tạo hoá.


Theo: vietnamtourism

Hồ Ba Hầm

Vị trí: Nằm trong một vịnh biển kín, ở góc phía tây bắc của dãy đảo Đầu Bê, hòn đảo cực nam của vịnh Hạ Long, cách cảng tàu du lịch hơn 25km.

Đặc điểm:Đây là một hồ nước hình tròn có núi vây quanh. Xuyên qua chân núi có ba khúc hang ngập nước, vòm hang thấp có rất nhiều nhũ đá rủ xuống mặt nước.


Các hang này khá dài và tối, đôi chỗ có những khe sáng lọt xuống, Các vách đá ở gần cửa hang có nhiều phong lan, trúc đuôi gà. Ở cuối hang thứ hai có một cây khế cổ thụ mà sóc, khỉ, vẹt hay đến ăn trái. Hang thứ ba có nhiều dơi cánh bướm, lòng hang rất đẹp, có thể nhìn thấy đáy hang và thấy cá bơi ở đó. Có nhiều thuyền nan chờ ở cửa để đưa du khách vào trong hồ, mỗi chiếc chở được 6-7 người. Mỗi lần ra vào trung bình mất 45 phút. Du khách phải trả tiền đò theo giá thoả thuận từ 10-15 nghìn đồng/chuyến. Trước khi dời tàu xuống thuyền nhớ mang theo phao cứu hộ.

Theo: vietnamtourism

Cụm di tích núi Bài Thơ

Vị trí: Núi Bài Thơ ở trung tâm Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Đặc điểm: Đây là một di tích có giá trị văn hoá lịch sử quan trọng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều bài thơ khắc trên đá của một số vị vua đi kinh lý, cảm hứng trước vẻ đẹp thần tiên của Vịnh Hạ Long đã làm thơ.


Nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long, có độ cao 200m, núi Bài Thơ là một di tích có giá trị văn hoá lịch sử quan trọng. Trước kia núi có tên gọi là núi Truyền Đăng. Đến tháng 2 năm 1468, nhân một dịp đi kinh lý vùng Đông Bắc, cảm hứng trước cảnh đẹp thần tiên của Vịnh Hạ Long vua Lê Thánh Tông đã làm một bài thơ và cho khắc vào vách núi phía Nam. Từ đó núi có tên là núi Đề Thơ, sau được gọi là núi Bài Thơ. 261 năm sau (năm 1729), nhân dịp duyệt thủy quân trên Biển Đông, chúa Trịnh Cương đã là một bài thơ họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông và cho khắc ngay gần đấy.



Ngoài ra Núi Bài Thơ còn dấu tích bài thơ của Nguyễn Cẩn và một số bài thơ khác. Ngay dưới chân núi Bài Thơ có chùa Long Tiên mới được xây dựng vào năm 1940 để thờ Phật và các vị tướng triều Trần có công với nước. Ngôi chùa mang những nét kiến trúc rất độc đáo. Gần ngôi chùa này cũng có một con đường dẫn lên đỉnh núi. Ở Bến Đoan ngay gần chân núi còn có ngôi đền nhỏ do các chủ thuyền thường xuyên buôn bán qua vùng biển Đông Hải cùng nhau góp sức xây dựng. Đền thờ vị tướng tài Trần Quốc Nghiễn, con trai cả của Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Nghiễn là người có công lớn trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của triều Trần, đặc biệt là quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba năm 1288. Đến 1913 đền đã được trùng tu lại như ngày nay.

Theo: vietnamtourism

Chùa Long Tiên

Vị trí:Chùa toạ lạc tại phố Long Tiên, dưới chân núi Bài Thơ, Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Ðặc điểm:Ðây là ngôi chùa lớn nhất, là di tích lịch sử danh thắng nổi tiếng ở Tp. Hạ Long.


Chùa Long Tiên được xây dựng vào năm 1941, chùa có phong cách kiến trúc độc đáo hiếm thấy, mang phong cách kiến trúc và điêu khắc của các ngôi chùa thời nhà Nguyễn, kiểu chồng giường giá chiêng và những họa tiết hoa văn trang trí rồng phượng, hoa lá cách điệu. Trên đỉnh tam quan là tượng phật A-di-đà với tư thế ngồi, dưới là gác chuông, nổi bật ba chữ “Long Tiên Tự”. Hai bên là hai câu đối. Chính điện thờ Phật, bên phải thờ các tướng lĩnh nhà Trần, bên trái là cung Tam Phủ Thánh Mẫu.

Toà tam quan gồm ba cửa: cửa "Hữu'; cửa "Vô" và cửa "Đại". Trên đỉnh Tam Quan là tượng phật A-di-đà, dưới là gác chuông, nổi bật ba chữ lớn "Long Tiên Tự", Hai bên có hai câu đối.

Ngoài cổng Tam Quan có tượng Bồ Đề Đạt Ma, tổ của Thiền tông Trung Quốc và Việt Nam Bái đường và chính điện kiến trúc theo kiểu chữ "Đinh". Đây là nơi đặt nhiều tướng thờ. Cung tả của chính điện phối thờ cha, thánh Trần Hưng Đạo, cung bên hữu phối thờ mẹ, Vân Phương Thánh Mẫu.

Theo: vietnamtourism

Việt Nam lọt vào top 50 tour du lịch tốt nhất thế giới

Trong số 13 tour du lịch châu Á tốt nhất của năm 2011 và trong top 50 tour du lịch trọn đời được Tạp chí du lịch danh tiếng của Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ (National Geographic) lựa chọn, thì có điểm đến Việt Nam.

Được ví như một phương Đông thân thiện, điểm đến Việt Nam là nơi mà du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị, có dịp khám phá những tinh túy về văn hóa và cảnh quan ở Hà Nội và TP.HCM, đi bộ trong vườn quốc gia Hoàng Liên - vườn di sản ASEAN, thăm các bản làng dân tộc thiểu số ở vùng miền núi phía bắc, khám phá Vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới và thưởng thức bữa tiệc hoàng gia ở Huế.

Tour mới trong năm 2011 “Khám phá Việt Nam” 14 ngày, được National Geographic giới thiệu với mức giá 3.598 USD bởi các công ty uy tín trong ngành “công nghiệp không khói”.

Các điểm đến khác của châu Á lọt vào top 50 tour du lịch trọn đời là: Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Trung Quốc, Nepal (với tâm điểm là Himalaya), Pakistan, Thái Lan, Nga (Siberia), Mông Cổ, Indonesia, Lebanon-Syria, Indonesia.

Nguồn: Báo Văn hóa

Hai di sản của Việt Nam được UNESCO xem xét

Ngày 5/5/2011, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông báo hai di sản của Việt Nam trong số 42 di sản tự nhiên và văn hóa của hơn 40 nước sẽ được UNESCO xem xét đưa vào danh sách di sản thế giới vào tháng 6/2011.

Thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa sẽ được xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình đã được công nhận là di sản tự nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003, lần này sẽ được xem xét đưa vào danh sách di sản tự nhiên thế giới lần thứ hai theo tiêu chí mới là đa dạng sinh học.

Trong lần xem xét này của Ủy ban Di sản thế giới, 6 nước lần đầu tiên có di sản được xem xét đưa vào danh sách di sản thế giới là: Jamaica, Barbados, Palau, Micronesia, Congo và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất.

Ba di sản được xem xét vừa là di sản văn hóa vừa là di sản tự nhiên gồm Vườn quốc gia núi Blue và núi John Crow (Jamaica), Thung lũng Mặt Trăng (Jordan) và Đồng bằng Saloum (Senegal).

Năm nay, Ủy ban di sản thế giới cũng xem xét hiện trạng của 169 di sản, trong đó có 34 di sản đang trong tình trạng nguy hiểm do các giá trị nổi tiếng thế giới của di sản bị đe dọa nghiêm trọng.

Cho đến nay, UNESCO đã công nhận 911 di sản thế giới, trong đó có 704 di sản văn hóa, 180 di sản tự nhiên và 27 di sản hỗn hợp tự nhiên lẫn văn hoá ở 151 nước thành viên.

Nguồn: VietnamPlus

Cơ hội cho du lịch biển Việt Nam

Không lâu nữa khi mà biển Việt Nam được định hình trên bản đồ du lịch thế giới thì lượng khách khắp nơi đổ về để tắm biển, nghỉ dưỡng là điều tất yếu. Trong cơ hội này, Thừa Thiên Huế là thế mạnh, bởi hiện nay tỉnh đang sở hữu một chiều dài bờ biển trên 120km mà không phải địa phương nào cũng có được.

Theo tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, dự kiến khoảng cuối tháng 5/2011, bộ sẽ bắt đầu cho phát hơn 260 đoạn phim (mỗi đoạn phim dài 15 phút) quảng bá tiềm năng du lịch biển Việt Nam (chủ yếu giới thiệu sự đa dạng của du lịch biển ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam) trên các giờ vàng của kênh truyền hình nổi tiếng thế giới BBC. Thời gian phát sóng khoảng 3 tháng nhằm thu hút lượng lớn khách du lịch châu Âu đến nghỉ dưỡng ở biển Việt Nam. Từ đây, sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho việc phát triển du lịch biển ở Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Thực trạng du lịch biển ở Thừa Thiên Huế cho thấy, tuy đã có những cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua bằng việc tổ chức hàng loạt các hoạt động như: “Thuận An biển gọi” (huyện Phú Vang), “Lăng Cô - huyền thoại biển” (huyện Phú Lộc) với mục đích không ngừng tuyên truyền, quảng bá tiềm năng về du lịch biển của tỉnh, song lượng khách thu hút hàng năm vẫn tăng chưa cao, nhất là lượng khách du lịch nước ngoài. Điều này đã lý giải phần nào cho công tác quảng bá, tuyên truyền về du lịch biển của tỉnh đang mới dừng lại tại từng thời điểm, từng sự kiện cụ thể mà chưa có một chiến lược dài cho hoạt động này.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho hoạt động du lịch biển vẫn còn hạn chế. Đến nay, ngoài Lăng Cô cơ bản hoàn chỉnh được một số dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống tương đối tốt (sắp tới khi dự án Laguna đi vào hoạt động hy vọng sẽ có chuyển biến tích cực hơn), thì các địa điểm khác như: Thuận An, Cảnh Dương, Vinh Thanh, Vinh Hiền,… chưa định hình được một dịch vụ nào thật sự hoàn chỉnh mà chủ yếu toàn là những dịch vụ mang tính tự phát, chưa có tính chuyên nghiệp. Đây chính là một rào cản cho sự phát triển du lịch biển theo hướng hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa.

Không lâu nữa khi mà biển Việt Nam được định hình trên bản đồ du lịch thế giới thì lượng khách khắp nơi đổ về để tắm biển, nghỉ dưỡng là điều tất yếu. Trong cơ hội này, Thừa Thiên Huế là thế mạnh, bởi hiện nay tỉnh đang sở hữu một chiều dài bờ biển trên 120km mà không phải địa phương nào cũng có được. Đây quả là một sự ưu ái lớn của thiên nhiên ban tặng. Đã đến lúc, tỉnh phải tích cực đẩy mạnh và thường xuyên hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch biển, đặc biệt chú trọng đến công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả về du lịch biển, từ đó, tạo ra cú hích trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Thanh Hóa phát huy du lịch nghỉ dưỡng biển

Với mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia vào năm 2015, trong chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển mạnh du lịch biển với sản phẩm chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng.

Du lịch biển từ lâu đã được xác định là thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Với hơn 100km bờ biển, thiên nhiên đã ban tặng cho Thanh Hóa khá nhiều bãi biển đẹp, nên thơ với những bãi cát trải dài như: bãi biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Nghi Sơn (Tĩnh Gia), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Quảng Thái (Quảng Xương)...

Vì vậy, khoảng 5 năm trở lại đây, đã có khá nhiều dự án đầu tư khai thác cơ sở hạ tầng tại các khu du lịch biển trọng điểm trong tỉnh với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước lên tới 167 tỷ đồng, bước đầu đã làm thay đổi diện mạo của các khu du lịch, góp phần quan trọng thu hút các dự án đầu tư kinh doanh và khách du lịch.

Du lịch nghỉ dưỡng biển ở Thanh Hóa gắn liền với các loại hình dịch vụ, du lịch biển như: lưu trú, nghỉ ngơi, tắm biển, bơi lặn, chèo thuyền, lướt ván, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, hệ động thực vật biển...

Hiện nay, tại các khu du lịch biển của Thanh Hóa, điển hình như Sầm Sơn, có nhiều cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch phát triển, có khả năng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tắm biển của hàng vạn khách du lịch trong ngày. Ngoài ra, những bãi biển khác như: Hải Tiến, Hải Hòa... vẫn còn hoang sơ, luôn chờ đón du khách đến chiêm ngưỡng và khám phá.

Du lịch biển Thanh Hóa cũng đang hình thành một số tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng như: tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Hải Hòa; Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Eureka - Linh Trường; Dự án khu du lịch sinh thái cao cấp Quảng Cư - Sầm Sơn... với quần thể các biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ - khách sạn ven biển, khu spa và chăm sóc sức khỏe cao cấp, khu vui chơi giải trí và khu hội thảo...

Trong tổng số 24 dự án nằm trong danh mục dự án ưu tiên phát triển du lịch được xây dựng trong quy hoạch tổng thể, đô thị du lịch Sầm Sơn đứng đầu danh sách dự án cần được đầu tư nhằm hoàn chỉnh diện mạo một đô thị du lịch quốc gia, một khu du lịch biển tổng hợp gồm nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan du lịch, hội nghị, hội thảo, thể thao dưới nước... với số tổng vốn đầu tư lên tới 200 triệu USD.

Cùng sự đầu tư lớn và những lợi thế có được, hiện Sầm Sơn được đánh giá là đầu tàu kéo du lịch Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Bên cạnh đó, Thanh Hóa đã và đang triển khai xây dựng một số khu du lịch nghỉ dưỡng biển khác như: khu du lịch biển Hải Tiến (80 triệu USD), khu du lịch sinh thái đảo Nghi Sơn (100 triệu USD), khu du lịch biển Hải Hòa (50 triệu USD).

Du lịch nghỉ dưỡng biển là bước đi đúng hướng góp phần thu hút du khách, đem lại doanh thu lớn, tạo thêm việc làm cho xã hội, làm đa dạng thêm dịch vụ du lịch biển ở Thanh Hóa vốn chỉ bó hẹp trong phạm vi phục vụ khách bình dân và trung lưu.

Nguồn: VietnamPlus